Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Gặp người lái tàu cứu hơn 300 hành khách

Gặp người lái tàu cứu hơn 300 hành khách
Lái tàu Trương Xuân Thức bây giờ


             Thứ Ba, ngày 01/02/2011, 10:00
(Tin tuc 24h) - Sau gần sáu tháng kể từ vụ tai nạn kinh hoàng, vết thương trên cánh tay trái bị mất 1/3 của lái tàu Trương Xuân Thức đã liền da. Mỗi khi thời tiết thay đổi, những di chứng từ vụ tai nạn vẫn hành hạ, nhưng nụ cười đã nở trên môi người lái tàu quả cảm.


Tiếp chuyện chúng tôi, ông Thức luôn dùng tay phải đỡ cánh tay trái đã cụt tới gần khuỷu như để xoa dịu cơn đau, giữ ấm cho phần cơ thể không còn nguyên vẹn trong cái rét của đợt không khí lạnh cuối năm đang tràn về. “Những ngày đầu nằm trên giường bệnh tôi thấy bi quan, hoang mang khi mình là trụ cột của gia đình lại tàn phế. Nhưng rồi qua thông tin từ báo chí, đã có nhiều người không quen biết tìm đến tận giường bệnh động viên, giúp đỡ.
Sự quan tâm, san sẻ này làm tôi thấy lòng mình ấm lại và an tâm hơn khi cảm nhận được tình người dành cho mình trong hoạn nạn” - ông Thức kể. Ông Thức cho biết những ngày trên giường bệnh, trong số những người đến thăm hỏi có cả cụ già đến cầm tay ông mà khóc; có cả một nhà sư ở chùa Hương đến cầu phúc, tặng ông tượng Phật để giữ bên mình kèm lời dặn: “Hằng ngày ta sẽ cầu Phật ban an lành cho con vì con đã quên mình để cứu nhiều người khác được sống”.
Ngoài những cơn đau nhức từ cánh tay, đến nay chân phải của ông Thức vẫn khó khăn trong đi lại do phần cơ đùi phải gần đầu gối bị giập. Khó chịu hơn là vào những ngày thời tiết thay đổi, đầu gối phải bị chấn thương trong vụ tai nạn lại đau nhức và không gập được chân. Sau khi rời viện, hằng ngày gia đình vẫn phải thuê bác sĩ đến nhà chữa trị, xoa bóp trong thời gian dài mới giúp ông làm chủ được việc đi lại.
Không thể trở lại với nghề lái tàu, sức khỏe chưa hồi phục nhưng ông Thức vẫn mong mỏi được đi làm trở lại với một công việc phù hợp. “Nghề mình chạy quen rồi, giờ suốt ngày ở nhà với bốn bức tường cũng buồn. Xí nghiệp cũng bảo sức khỏe ổn định sẽ bố trí công việc phù hợp” - ông Thức nói. Cùng với ước nguyện được đi làm, ông Thức cũng mong đến ngày sức khỏe ổn định để đi thăm, cảm ơn những người từng giúp mình trong hoạn nạn mà ông được biết nhưng chưa có dịp nói lời cảm ơn trực tiếp.
“Tôi không quên được bác Nghĩa, người ở cạnh nơi đoàn tàu bị tai nạn. Bác là người đầu tiên trèo lên đầu máy lúc máu còn chưa làm nhòe mắt tôi và tôi thấy bác đã khóc lúc đó. Đó là anh Cao Hải, người đã cùng bác Nghĩa dùng xà beng cạy ghế để anh Đại (ông Trương Quang Đại - người bò vào đầu máy tháo ghế, dùng răng cắn đứt dép ông Thức để đưa ông Thức ra khỏi đầu máy giập nát) đưa tôi ra. Anh Hải, anh Đại đã lên Hà Nội thăm tôi nhưng còn bác Nghĩa tôi chưa có dịp gặp”.
Mỗi lần gặp, trong suốt câu chuyện ông Thức luôn nhắc đi nhắc lại nhờ báo giúp ông nói lời cảm ơn đến những bạn đọc, những người không quen biết đã ủng hộ tinh thần, vật chất giúp ông trong những ngày hoạn nạn. Ông bộc bạch: “Vì nghề nghiệp, vì công việc mà bị nạn, đến nay tôi không có điều gì ân hận nhưng canh cánh một điều là chưa làm được gì xứng đáng hơn với sự giúp đỡ của mọi người”.
Lãnh đạo Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết ông Thức là một trong sáu đại biểu của ngành đường sắt được cử đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vừa qua. Nhưng trước đó, ông Thức luôn từ chối làm đại biểu vì thấy mình “chưa có thành tích gì xứng đáng”. Người lái tàu sắp đạt số kilômet lái tàu an toàn để nhận danh hiệu “Kiện tướng lái tàu an toàn” lần 3 trước khi bị tai nạn này đã đề nghị xí nghiệp cử người có thành tích hơn mình đi dự đại hội.
Ngày 6-8-2010, một vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu Thống Nhất TN6 và xe tải ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam làm đổ đầu máy và hai toa tàu. Người lái tàu Trương Xuân Thức đã cố gắng hãm phanh chính để cứu đoàn tàu với hơn 300 hành khách. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tặng lái tàu Trương Xuân Thức Huân chương Dũng cảm và báo Tuổi Trẻ trao giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” cho người lái tàu quả cảm đã dũng cảm cứu đoàn tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét